Kế hoạch kinh doanh (Business Plan)

Có khá nhiều câu hỏi mà các bạn trẻ, các nhà kinh doanh đã gửi về gocnhinalan.com để tham vấn TS. Alan Phan những cách thức khởi nghiệp nhằm biến ý tưởng thành hiện thực. Nhiều email đính kèm các kế hoạch kinh doanh được phác thảo sơ bộ hoặc khá cẩn thận, với những câu hỏi từ chung chung đến cụ thể xoay quanh những kế hoạch đó. Ba, trong số nhiều câu hỏi được trích dẫn dưới đây là những ví dụ.

Do không có nhiều thời gian để có thể chỉ dẫn tường tận đến từng độc giả; mặt khác, cũng nhận thấy hầu hết các câu hỏi tham vấn có nhiều nét chung và đều vướng phải một vấn đề cơ bản, đầu tiên trong tiến trình khởi nghiệp, là lập một kế hoạch kinh doanh. Gocnhinalan.com trân trọng giới thiệu những giải đáp của TS. Alan Phan về vấn đề này.

Thạch Phước Hùng ( Kỹ sư ĐH Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh: Con đã trải qua một số công việc, trong đó có việc kinh doanh riêng nhưng đến nay vẫn hoàn toàn bế tắc. Con thỉnh cầu bác chi cho con 1 hướng đi để con có thể tự mình xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Con cần phải học gì? Cần phải làm gì? Cần phải xây dựng mối qua hệ với ai? Và, lĩnh vực nào tiềm năng để con khởi nghiệp?

 Calvin Duong (cuasotinhoc): Cháu vốn xuất thân từ Kỹ thuật, nên về vấn đề Tài chính cũng như Kinh doanh không phải là thế mạnh. Cháu cũng đã lập thử business plan nhưng không biết đúng hay sai, đủ hay thiếu? Và cháu cũng không biết có nên xin đầu tư hay không? Xin ai để đầu tư? Rất nhiều câu hỏi, rất mong Bác giúp đỡ!

Minh Đức (ĐH Kinh tế Tp Hồ Chí Minh): Hiện tại con đang cùng các bạn con làm một chương trình nhằm giải quyết những vấn đề của sinh viên năm cuối của các trường Đại học có tên là “Tự tin vào đời”. Con rất mong TS. chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi triển khai một dự án, đặc biệt là ứng dụng trong thực tiễn!

o0o

 TS Alan Phan: Làm thế nào để có thể triển khai một ý tưởng, một dự án kinh doanh? Làm sao để tìm được nhà tài trợ vốn cho một dự án? Những câu hỏi từ chung, đến riêng như vậy, đều có thể giải quyết ngay từ ban đầu, khi bạn thiết lập một kế hoạch kinh doanh (business plan).

Ngay từ khi bắt đầu ý tưởng kinh doanh, hay đã vững chãi trên thương trường, một kế hoạch kinh doanh luôn là tập hồ sơ gối đầu giường của mọi doanh nhân. Việc tìm kiếm nhà tài trợ, nguồn huy động vốn, hay bỏ công khai thác được những khách hàng mục tiêu cho dự án tương lai của bạn, rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn thế nữa, là bạn hãy dành thời gian và suy ngẫm nghiêm túc về ý tưởng của mình, vạch ra một kế hoạch tổng thể, chi tiết. Tại quỹ đầu tư Viasa của tôi, nếu một công ty không nộp một kế hoạch kinh doanh đầy đủ, chúng tôi coi như họ không có một ý muốn thực sự mạnh mẽ trong việc làm ăn. Đây là một đòi hỏi đầu tiên và không miễn trừ.

Một kế hoạch kinh doanh đầy đủ phải gồm những phần chính như: căn bản về công ty (mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ), phân tích thị trường (nhu cầu của khách hàng, các đối thủ cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh), và phân tích tài chính và dự toán tài chính, SWOT analysis. Đây là những tiết mục tối thiểu cần có cho kế hoạch kinh doanh. Một kế hoạch càng nhiều chi tiết càng nói lên sự am hiểu thị trường và điểm mạnh – yếu của công ty mình.

Trong kế hoạch kinh doanh, người quản trị cũng nên có những kế hoạch và chiến thuật để đối phó với những tình huống bất ngờ. Một kế hoạch kinh doanh đầy đủ cũng giúp cho các nhà quản trị cũng như các nhà đầu tư định giá về rủi ro một cách chính xác.

Với những bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp và chưa từng thiết lập một kế hoạch cụ thể, các bạn có thể trao đổi với người trợ lý của tôi qua gocnhinalan.com, qua email, hoặc xem thêm cuốn sách mà tôi đã xuất bản cách đây chừng 2 năm, cuốn “Niêm yết sàn Mỹ”, (NXB Phụ Nữ / 2009-2010). Trang 133 của cuốn sách , phụ lục C có giới thiệu “Bản mẫu của một kế hoạch kinh doanh” khá chi tiết, rõ ràng.

Quý bạn cũng có thể lên Google, đánh vào chữ Business Plan, bạn sẽ có rất nhiều chỉ dẫn về cách làm kế hoạch thật bài bản. Văn phòng tôi, nhân viên có software gọi là Business Plan Pro rất dễ theo.

Và xin nhắc lại một điều mà các bạn cần nhớ: Chỉ khi nào bạn thật sự ngồi xuống, dành thời gian suy ngẫm ý tưởng của mình, xây dựng một kế hoạch thật sự cụ thể thay vì phác thảo ý tưởng trong vài ba trang giấy, thì khi đó bạn mới có cơ hội khởi nghiệp kinh doanh mà không phải quá lo lắng về các vấn đề tài trợ, quản trị hay xử lý phát sinh.

Chúc các bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *