Theo một báo cáo của chương trình Cải cách Bản án Quốc tế (PRI) thuộc Liên minh châu Âu (EU), mức án chung thân không giảm án vẫn được xem là bản án thay thế tối ưu thay vì sử dụng án tử hình. Loại án này đã trở nên rất phổ biến ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như Bulgaria, Anh, xứ Wales, Estonia, Hà Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ukraine, Mỹ.
Thoát án tử nhưng phải “chung thân không giảm án”
Áp lực đòi “tuyên án thích đáng” đã dẫn đến hệ quả ngày càng nhiều tội phạm bị kết án tù chung thân không được hưởng sự ân xá. Các quy định này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia nhằm đổi chính sách bãi bỏ bản án tử hình. Những bản án tù chung thân không giảm án hiện được thực thi ở nhiều nước trên thế giới.
Theo PRI, trong khi Việt Nam có chế độ khoan hồng dành cho những tù nhân nào đã chịu thời gian tù tội trong khoảng 20 đến 30 năm thì chính sách ở nhiều nước khác thậm chí còn nghiêm khắc hơn.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, quy định “không ân xá cho án chung thân” được viết trong Bộ luật Chống khủng bố của nước này. Trong đó luật không cho phép đặc xá tù nhân chung thân ở bất kỳ trường hợp nào.
Tại Hà Lan, tù nhân có cơ hội đệ đơn xin mãn hạn tù nhưng lá đơn này chỉ được xét duyệt khi có sắc lệnh hoàng gia Hà Lan và điều này thường rất hiếm khi xảy ra.
Tương tự như vậy, ở Estonia, tổng thống đảm trách việc ban hành quyết định khoan hồng cho mức án chung thân nhưng trường hợp này chưa từng xảy ra kể từ ngày Estonia tuyên bố độc lập đến nay.
Tòa án Tối cao tại Mỹ đã bắt đầu sử dụng mức án tù chung thân không đặc xá trong một bản án vào năm 1974, sau đó mở rộng trên toàn liên bang. Trên thực tế, hình phạt chung thân khắc nghiệt này giảm được một phần hoặc toàn bộ áp lực thi hành án tử hình ở một số bang của Mỹ (khi nó thay thế án tử hình). Tại quốc gia này, cứ bốn tù nhân nhận mức án chung thân thì có một người không được phép hưởng đặc xá hay giảm án. Nói cách khác, bên cạnh tù chung thân không giảm án, pháp luật Mỹ còn có tù chung thân được giảm án. Tại một số bang như ở Louisiana, 1/10 tổng số phạm nhân chịu mức án chung thân không giảm án. Tại năm bang khác của nước Mỹ gồm Illinois, Iowa, Louisiana, Pennsylvania và Nam Dakota, mức án chung thân cũng gắn liền với yêu cầu không được ân xá hay giảm án.
Ở xứ Wales và nước Anh, thời điểm 2011 có 35 người lãnh án chung thân không giảm án. Không có một số lượng năm tù tối thiểu nào được tòa án đưa ra làm điều kiện xem xét giảm tù cho họ.
Không chung thân: Phải trả giá đắt
Có một số nước không có mức án chung thân như Brazil, Colombia, Croatia, El Salvador, Nicaragua, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovenia và Venezuela. Tuy nhiên, tù nhân ở các nước này trên thực tế còn chịu mức án tù dài hơn thời gian chịu án tối thiểu ở các nước khác trước khi được tha bổng. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, tù nhân có thể lãnh mức án lên đến 30 năm.
Tương tự, Nam Phi đã kéo dài thêm khoảng thời gian tối thiểu không cho phép giảm án, đồng thời đưa ra nhiều đòi hỏi khắt khe hơn khi xem xét tha bổng hay giảm án cho tù nhân.
Mặc dù mức án phạt tù chung thân có nhiều hình thức khác nhau ở các nước song đa số tội nhân lãnh án tù chung thân có đủ điều kiện được phóng thích sau một thời gian chịu tội nhất định và sẽ nhận sự giám sát liên tục của chính quyền trong đời sống.
Thời gian tối thiểu các tù nhân bị giam giữ và điều kiện để họ được cấp phép tha bổng cũng khác nhau, tùy theo từng quốc gia. Ở Đức, các tù nhân sẽ chỉ được cấp phép tha bổng khi họ đã chịu mức án phạt 15 năm. Tại Tòa án Hình sự Quốc tế, người bị kết án tù chung thân sẽ được xem xét tha bổng khi đã chịu án 25 năm.
Ở một số bang của Mỹ, thời hạn thi hành án tối thiểu của người bị kết án tù chung thân (có giảm án khi thụ hình) cao hơn đáng kể: 25 năm ở các bang Arizona, Florida, Kentucky, Tennessee và New York; 30 năm ở Dakota, South Carolina, Minnesota và Indiana; 35 năm ở Texas và 40 năm ở Kansas.
Theo Lohn L. Anderson, PGS Trường Luật Newcastle – ĐH Newcastle (Úc), ở một số bang của Úc như New South Wales, Tây Úc hay Victoria, mức án chung thân sẽ không bao giờ được xem xét giảm án trừ khi được cơ quan Đặc quyền Ân xá Hoàng gia Úc ra quyết định. Tuy nhiên, quá trình đưa ra quyết định giảm án hay ân xá đòi hỏi cơ quan này phải xem xét về những tác động nguy hiểm có thể xảy ra của đối tượng được giảm án hay ân xá đối với sự an toàn của xã hội sau khi ra tù. Đa số bang còn lại của nước này cũng chỉ cho phép chính quyền cân nhắc ân xá một khi đối tượng đã chịu số lượng năm tù tối thiểu dao động 15-20 năm tù giam.
Dùng “tiền máu” để chuộc mạng
Hiện nay trên thế giới hiếm có quốc gia nào chấp nhận phương thức đối tượng gây án chi tiền để thoát án tử hình. Hiện tượng này chỉ được ghi nhận tại nhóm các quốc gia còn sử dụng các điều luật Hồi giáo Sharia cổ đại khắt khe như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Iran… Khoản tiền này được gọi là “tiền máu” (diya hoặc diyyeh). Đây là một khoản tiền được dàn xếp bí mật giữa bị cáo và nạn nhân hoặc gia đình của nạn nhân, được xem như một khoản tiền đền bù để bị cáo xin tha thứ và không phải chịu xét án tử. Mức tiền này sẽ thay đổi tùy theo từng quốc gia Hồi giáo, tùy theo tôn giáo, giới tính và mức độ “quan trọng” của nạn nhân.
Chẳng hạn, theo quyển sách Sống và làm việc tại các quốc gia vùng Vịnh và Saudi Arabia: Hướng dẫn cách sống sót của Robert Huges, mạng sống của một người đàn ông Hồi giáo có 12 đứa con sẽ “tốn tiền” hơn mạng sống của một người Thiên chúa giáo.
Ở Saudi Arabia, mức “tiền máu” đối với sinh mạng một người đàn ông Hồi giáo là không dưới 24.000 USD (hơn 521 triệu đồng). Sau khi chi trả khoản tiền này, bị cáo sẽ được tha mạng.
Tại Iran, các tòa án thậm chí còn hoãn việc xét xử án tử hình trong khoảng thời gian gần năm năm để thuyết phục gia đình nạn nhân chấp nhận mức “tiền máu” thay vì kết án tử hình.
Theo hãng tin The Guardian (Anh), chính quyền Indonesia hồi năm 2014 đã phải vận động hành lang và xin trả “tiền máu” để chuộc mạng cho một công dân của mình phạm tội ở Saudi Arabia. Satinah Binti Jumadi Ahmad, 41 tuổi, bị tuyên án phạt chặt đầu công khai vì đã cướp tài sản và giết vợ của chủ mình. Chính quyền nước này đã huy động tổng số tiền và giá trị thương mại lên đến gần 1,9 triệu USD để trả “tiền máu” cho gia đình nạn nhân. Chính quyền Indonesia cũng gửi một lời xin lỗi chính thức đến cố quốc vương của Saudi Arabia là Abdullah để xin tha mạng Admad. Chiến dịch này đã cứu được mạng sống của người phụ nữ Indonesia.
Theo tờ The Independent (Anh), các tổ chức nhân quyền chuyên phản đối mức án tử hình cũng lên án cực lực chính sách “tiền máu” của các nhà nước Hồi giáo. Họ cho rằng công thức này chẳng khác nào hình thức trả tiền để bẻ cong công lý một cách hoàn toàn hợp pháp. Biện pháp này giúp cho bộ phận những người có tiền và quyền thế thoát khỏi các hình thức trừng phạt thích đáng của luật pháp, làm gia tăng sự bất bình đẳng và sự an toàn của xã hội.
Tù nhân cũng cần có cơ hội hoàn lương Không phải quốc gia nào cũng áp dụng mức án chung thân không giảm án. Điển hình như ở Mexico, Tòa án Tối cao của nước này từng tuyên bố mức án trên đi ngược với các quy định trong Hiến pháp, vi phạm nhân quyền. Tương tự, tòa án ở Đức, Pháp, Ý cũng cho rằng người lãnh án chung thân cũng cần có cơ hội được hưởng đặc ân để hoàn lương. |