Các loại giấy tờ tùy thân được bán ở vỉa hè
Sau một thời gian dài không thấy khách đến gia hạn hay chuộc lại chứng minh nhân dân (CMND), nhiều chủ tiệm sẵn sàng bán lại CMND cho bất cứ ai có nhu cầu.
Bán để… thu hồi vốn
Ngày 13.4, chúng tôi đến một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Văn Nghi (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hỏi mua lại CMND để đưa vào hồ sơ xin việc, thì được một phụ nữ lấy ra túi ni lông chứa hàng đống CMND cũ. Bà này nói gọn lỏn: “Nói năm sinh, giới tính, tỉnh thành?”. Chúng tôi nói: “Em cần CMND cho bà chị làm hồ sơ xin việc. Năm 1984, còn tỉnh nào cũng được”.
“Nữ giờ còn có sinh năm 1990, 1994 chứ sinh năm 1984 thì hết rồi”, người phụ nữ trả lời sau khi lục tung chiếc túi, rồi nói thêm: “Cái này 200.000 đồng/CMND. Ở đây mình nhận cầm cho người ta nửa tháng để kiếm ít tiền lãi, ai ngờ tụi nó bỏ hết. Bỏ cả năm rồi. Giờ phải bán lại để thu hồi vốn chứ biết sao được”. Sau đó, bà này rút 2 cái CMND quăng lên mặt bàn bảo: “Mày coi lấy được cái nào thì lấy. Giờ mỗi cái 150.000 đồng”. Hai cái CMND mà bà này đưa cho chúng tôi xem tên tuổi lần lượt là N.T.T.N (26 tuổi, quê Bình Định) và V.T.D (23 tuổi, quê Cà Mau).
Tại tiệm cầm đồ H. (đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp), ông chủ nói chắc nịch ở đây không bán giấy tờ tùy thân vì “bán cái này công an bảo tiếp tay cho bọn lừa đảo, phiền phức lắm…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi vừa quay lưng định bước ra khỏi tiệm thì vợ ông chủ níu lại: “Em mua làm gì? Chị còn 1 cái CMND cầm hơn cả năm nay quá hạn. Cái CMND của con bé người Hậu Giang tên V.T.D, giá 150.000 đồng, ưng thì lấy”.
Tiếp đó, tại tiệm cầm đồ A. trên đường Hà Huy Giáp (P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM), người chủ sẵng giọng: “Bán CMND cho mày đi làm chuyện phạm pháp thì tao và mày đi vô nhà đá ở à”. Nói thì vậy, ông này vẫn quăng một CMND xuống bàn rồi ra giá: “250.000 đồng một cái. Cấm nói ai đó. Sau này công an bắt thì câm mồm chứ nói đến tao là liệu hồn”…
Giấy CMND được các chủ tiệm cầm đồ vô tư bán lại cho khách
“Mua ngay thì còn, chứ người ta dặn nhiều lắm”
Ngày 15.4, chúng tôi tiếp tục đến khu vực vỉa hè đường Ngô Gia Tự (Q.5, TP.HCM) để thử tìm kiếm CMND cũ và được phụ nữ bán nước giải khát hướng dẫn đến gặp các đầu nậu chuyên bán CMND. “Em tới chỗ mấy thằng bán đồ cũ. Tụi nó có bán đầy ở đó”, bà này vừa nói vừa chỉ tay về vỉa hè, nơi nhiều người đàn ông đang bày biện đồ đạc tràn lan.
Theo chỉ dẫn của người phụ nữ, chúng tôi đến tìm gặp một người đàn ông tên Tuấn (khoảng 40 tuổi) đang bày biện pin, cục sạc, phụ kiện điện thoại cũ trên vỉa hè. Ông Tuấn bảo: “CMND năm bao nhiêu? Nam hay nữ? Nam thì tao còn năm 72, 77, 94. Còn nữ thì để tao xem lại chứ không biết có hay không? Mà mày về dán hình vào nha chứ mấy cái của nữ tao lột hình hết rồi”.
Nói rồi, ông Tuấn quay qua lục trong túi xách màu đen lấy ra một mớ CMND nam nữ, giấy tờ xe, bằng lái các loại để tìm CMND như chúng tôi yêu cầu. “Rồi. Vậy là tờ năm 1984 đi rồi (có người mua rồi – PV). Nói chị mày lấy 90 hay 94 gì xài đỡ đi. Cái này dán cái hình vào là được, cần gì năm sinh. Dán hình vào, chênh lệch khuôn mặt cỡ chục tuổi thì nhằm nhò gì, miễn là có địa chỉ, số chứng minh, quê quán là được rồi. Mấy cái này 100.000 đồng/cái”, ông Tuấn gạ và nói thêm: “Hôm nay em mua ngay thì còn, chứ có khi ngày mai đến mua cũng không có cái nào bán vì người ta dặn nhiều lắm. Hay em cho anh số điện thoại đi, anh kêu mấy đứa đi tìm nếu có hàng thì anh nhắn qua lấy”.
Tội phạm lợi dụng
Liên quan thực trạng trên, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an đánh giá việc một số tiệm cầm đồ bán CMND đã tiếp tay để tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ tùy thân nhằm che giấu tung tích. Trong một số vụ lừa đảo, các nhóm tội phạm dùng CMND giả mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nạn nhân, gây khó khăn cho lực lượng công an trong quá trình điều tra.
Tháng 1.2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45) triệt phá đường dây đánh bạc quy mô rất lớn, 2 nghi can cầm đầu đường dây này là La Tùng Thịnh (53 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) và Lư Vĩnh Lợi (53 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM). Các nghi can đã tổ chức đánh bạc qua mạng với lượng tiền giao dịch lên đến hơn 300 tỉ đồng. Trong đường dây này, cả người chơi lẫn nhóm tổ chức đều có mua CMND để mở tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền cho nhau.
Một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết: “Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng vì áp lực công việc, chỉ tiêu mở tài khoản đã lơ là hoặc còn hạn chế trong khâu kiểm tra, xác định giấy CMND thật hay giả. Chúng tôi từng cảnh báo về việc tội phạm sử dụng giấy CMND giả để mở tài khoản ATM, cung cấp cho tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa hàng trăm nạn nhân, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Thời gian tới, với việc thẻ căn cước (dần dần thay giấy CMND – PV) được người dân sử dụng rộng rãi sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng loại giấy CMND cũ gây án”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng CMND, thì những người sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái pháp luật, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, mượn, hoặc cho người khác thuê, mượn để thực hiện hành vi trái pháp luật thì phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng. Đối với những trường hợp dùng CMND của người khác để khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, làm giả CMND, sử dụng CMND giả, thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng.