Thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trung Quốc (TQ) tại Việt Nam (VN) và Ngân hàng Công Thương TQ kiến nghị cho thanh toán nhân dân tệ (CNY) trực tiếp ở VN đang gây bức xúc trong dư luận. Rất nhiều người đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN phải kiên quyết bác bỏ đề xuất này với lý do “đề xuất của phía TQ nằm trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng với nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ” hoặc “sức mạnh và độ tin cậy của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao”…
Đồng tình với các ý kiến “bác bỏ” nêu trên, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VN – VIAC, phân tích:“Cái gọi là thanh toán trực tiếp ở đây không có nghĩa là các DN sử dụng tiền mặt CNY để mua bán hàng hóa với TQ mà là việc DN phải mua CNY (thay vì mua USD) của các ngân hàng thương mại để thanh toán hàng nhập khẩu cho TQ. Đồng thời sẽ bán CNY (thay vì bán USD) cho các ngân hàng thương mại khi thu được tiền bán hàng cho TQ. Như vậy, khác nhau ở chỗ thay vì thanh toán qua ngân hàng bằng đồng USD thì có thể thanh toán bằng đồng CNY”.
. Phóng viên: Nhưng Hiệp hội DN TQ tại VN và ICBC cho rằng vùng biên mậu VN-TQ đã trực tiếp trao đổi bằng nhân dân tệ, kim ngạch trao đổi lên tới 15 tỉ USD và VN cần đưa kim ngạch không chính thức này vào chính ngạch.
+ Luật sư Trương Thanh Đức: Điều này chưa phải là điều kiện để VN phải chấp nhận yêu cầu thanh toán CNY trực tiếp từ phía TQ. Giao dịch biên mậu không chỉ có việc thanh toán trực tiếp đồng tiền CNY mà còn thanh toán trực tiếp cả VND. Việc giao dịch này cũng tương tự như đối với Lào và Campuchia, được thực hiện theo quy định tại Điều 26 về “Sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với VN” của Pháp lệnh Ngoại hối: “Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với VN thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN là thành viên và quy định của NHNN VN”. Đồng thời, phải theo Quy chế Quản lý tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu VN (ban hành kèm theo Quyết định 140/2000 của Thủ tướng Chính phủ).
Việc khác với Lào và Campuchia ở đây là khối lượng giao dịch biên mậu, mang tính chất tiểu ngạch với TQ là rất lớn. Còn việc tính hay chưa tính giao dịch trên vào giao dịch chính ngạch thì cũng vẫn phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 về “Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ” của Pháp lệnh Ngoại hối. Đó là: “Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép”.
. Ông đánh giá thế nào về lợi và hại nếu VN chấp nhận đề nghị mở rộng phạm vi sử dụng nhân dân tệ tại VN?
+ Lợi hay hại đối với DN thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như giao dịch xuất hoặc nhập khẩu và tỉ giá CNY so với USD trong từng thời điểm khác nhau thế nào. Ví dụ, một DN VN nhập hàng của TQ trị giá 6 nhân dân tệ, nếu trả bằng USD mất 21.000 đồng, nếu trả bằng CNY thì chỉ mất 20.000 đồng. Như vậy giao dịch bằng CNY có lợi hơn. Ngược lại, nếu trả bằng USD chỉ mất 20.000 đồng, còn trả bằng CNY lại mất 21.000 đồng thì không có lợi.
Tuy nhiên, đối với nền kinh tế nói chung, cái hại là việc bị phụ thuộc nhiều hơn vào đồng tiền TQ. Tức là hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế VN nói chung sẽ rủi ro cao hơn vì phải phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và kinh tế của TQ.
. Xin cám ơn luật sư.
Không phù hợp quy định Các thanh toán cho xuất nhập khẩu có thể thông qua ngoại tệ nhưng phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tại thời điểm này, đồng nhân dân tệ không có trong danh sách ngoại tệ được tự do chuyển đổi. Vì vậy mà thanh toán xuất nhập khẩu VN-TQ thường thông qua đồng tự do chuyển đổi là đồng USD. Hiện nay chỉ có đồng VN mới được dùng thanh toán trong lãnh thổ VN. Hơn nữa, chúng ta thực hiện chống đôla hóa, chống ngoại tệ hóa đã nhiều năm có hiệu quả, nghiêm cấm thanh toán bằng ngoại tệ. Cho nên không có chuyện cho dùng ngoại tệ tiền mặt để thanh toán giữa người dân với nhau. Việc kiến nghị thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng với đồng VN – nhân dân tệ mà không qua trung gian đồng tự do chuyển đổi như đồng USD, tôi cho là cũng không phù hợp quy định. Vì như đã nói, nhân dân tệ không có trong danh sách tự do chuyển đổi. Về thực tế, trước đây vào năm 2010, Ngân hàng Bank of China từng đề nghị NHNN cho thí điểm đổi trực tiếp đồng nhân dân tệ sang đồng VN. Cụ thể, ai có nhân dân tệ và giấy tờ hợp pháp chứng minh số nhân dân tệ này (ví dụ có giấy tờ nhập cảnh, hải quan xác nhận số tiền…) đem đến đổi thì được đổi sang đồng VN. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, ngân hàng này xin ngưng vì số nhân dân tệ đem đến chẳng bao nhiêu mà họ tốn kém nhân sự, máy móc thiết bị để thực hiện việc đổi này. Thế là từ năm 2013 đã không đổi nữa. Thực tế cho thấy nhu cầu không nhiều. Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, QUỲNH NHƯ ghi Nội dung kiến nghị của phía TQ Trong bản phụ lục các kiến nghị mới của DN được tập hợp trong tháng 11-2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN ghi nhận kiến nghị cụ thể của Hiệp hội DN TQ tại VN/Ngân hàng Công Thương TQ như sau: “Nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ tại VN là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng thương mại Việt-Trung… Hiện tại đã có ngân hàng của VN thực hiện nghiệp vụ đổi CNY-VND nhưng chưa có ngân hàng TQ được thực hiện nghiệp vụ này. Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng đôla Mỹ v.v… được thay thế bằng nhân dân tệ, đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán, mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu. Kiến nghị: NHNN có thể mở rộng phạm vi sử dụng nhân dân tệ tại VN hơn ở mức độ hợp lý, đồng ý cho Ngân hàng Công Thương TQ (ICBC) thực hiện hợp tác về nghiệp vụ nhân dân tệ với ngân hàng thương mại VN (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ CNY”. |