Tại phòng khám bệnh theo yêu cầu thuộc Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người bệnh bị ép phải làm thẻ ATM để nạp tiền trước vào tài khoản mới được khám.
Bà Trần Thị Thu (ở Thái Bình), vừa đến khám bệnh ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai, kể lại: “Họ bảo tôi phải nộp tạm ứng 2 triệu đồng vào tài khoản của Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) thì mới được khám. Nhưng bệnh nhân quá đông nên việc làm thẻ ATM (tại BV) mất rất nhiều thời gian, có hôm phải đợi đến cả giờ đồng hồ vẫn không làm được thẻ, phải quay lại vào hôm khác, rất vất vả”.
Không thể lấy hết tiền thừa
Theo bà Thu, khi nạp 2 triệu đồng, nhân viên làm thẻ ngân hàng nói nếu khám bệnh xong còn dư tiền thì ra cây ATM rút lại toàn bộ số tiền dư, nhưng thực tế lại không phải vậy. “Tôi khám 12 loại dịch vụ hết tổng cộng 709.000 đồng, tôi ra cây ATM rút số tiền còn lại nhưng rút đến khi còn lại 70.450 đồng thì không thể rút được nữa”, bà Thu khẳng định.
Tương tự, bệnh nhân Đ. (ở Hà Nội) đến khám ở BV Bạch Mai được yêu cầu nộp 1 triệu đồng vào tài khoản ATM của Vietinbank. Khám xong, ông Đ. rút tiền dư đến khi còn 125.000 đồng thì không rút được nữa. Ngày 1.4, chúng tôi cùng ông Đ. đến cây ATM của Vietinbank (đặt tại tầng 4 BV Bạch Mai) để rút thử trước sự chứng kiến của nhiều người thì máy báo không rút được số tiền 125.000 đồng còn lại trong tài khoản.
Khác với bà Thu và ông Đ. vốn chưa từng sử dụng thẻ ATM, anh N.Đ.M (ở Hà Nội) đã dùng thẻ ATM từ lâu của Ngân hàng Vietcombank và Techcombank, nhưng cũng gặp khó khi đến khám tại BV Bạch Mai. Bởi anh phải mở thêm tài khoản Vietinbank mới có thể thanh toán viện phí.
“Thông thường sử dụng thẻ thanh toán của một ngân hàng bất kỳ có thể thanh toán một số dịch vụ khác nhau tại các điểm có chấp nhận thanh toán trực tuyến, nhưng không hiểu tại sao BV Bạch Mai lại chỉ chấp nhận thanh toán cho mỗi thẻ ATM của Vietinbank?”, anh M. thắc mắc.
Bệnh nhân không có quyền lựa chọn (?)
Trả lời tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai, cho biết BV đang thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh để giảm bớt thủ tục. “Bệnh nhân khi đến bộ phận khám bệnh theo yêu cầu đều có thể lựa chọn 2 phương án thanh toán bằng tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt”, ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, hiện nay hệ thống thanh toán của Vietinbank mà BV đang sử dụng có liên kết với tất cả các ngân hàng trên toàn quốc, vì vậy bệnh nhân hoàn toàn có thể sử dụng được các loại thẻ Visa, Master Card của các ngân hàng mà Vietinbank liên kết, chứ không có chuyện độc quyền.
Thế nhưng, hôm 3.4, trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi đến khu khám bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai, cô nhân viên ngồi ở bàn tư vấn khẳng định người bệnh bắt buộc phải mở tài khoản và làm thẻ ATM Vietinbank (miễn phí) thì mới được vào khám bệnh. “Đây là yêu cầu bắt buộc của quy trình khám chữa bệnh tại đây”, cô nhân viên nói.
Ông Phạm Anh Xuân, Phó trưởng ban Thông tin và truyền thông Ngân hàng Vietinbank, cho biết dùng thẻ ATM thanh toán viện phí được BV Bạch Mai và Vietinbank ký kết hơn một năm nay. Tính đến tháng 6.2014, tại BV Bạch Mai, Vietinbank đã phát hành thẻ cho trên 110.000 bệnh nhân. Còn việc người bệnh phản ánh không thể rút hết số tiền trong thẻ ATM sau khi khám bệnh còn dư, theo ông Xuân số tiền dư 50.000 đồng không rút hết được là do “quy định” của ngân hàng.
Yêu cầu BV Bạch Mai giải trình
Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Cục đang yêu cầu BV Bạch Mai có báo cáo giải trình đầy đủ về sự việc bệnh nhân phản ánh như trên.
Theo ông Hưng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người bệnh, trong đó có đổi mới cải cách thủ tục hành chính. “Chúng tôi khuyến khích các BV khi có đủ điều kiện thì ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên việc ứng dụng đó nếu gây phiền hà như người bệnh phản ánh thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu đúng có phiền hà, bất cập chúng tôi sẽ yêu cầu điều chỉnh ngay”, ông Hưng nói.
|