DÂN KÊU

1. Nhọc nhằn đi lòng vòng

Tôi đi làm thủ tục cấp giấy xác nhận độc thân để bổ sung hồ sơ giấy tờ nhà, đất. Hộ khẩu hiện tại của tôi ở quận 2 (TP.HCM). Tôi đến UBND phường thì cán bộ tư pháp không xác nhận được vì tôi mới chuyển hộ khẩu về nơi đây, phải bổ sung giấy xác nhận cho khoảng thời gian trước khi chuyển. Tôi đã chuyển hộ khẩu ba lần (ba quận trong TP.HCM) nên phải quay về các UBND phường (nơi từng có hộ khẩu) để xác nhận.

Tôi lần lượt quay về chỗ cũ, đến UBND phường của quận B. (TP.HCM) thì nơi này yêu cầu đến công an quận xác minh là từng có hộ khẩu ở đây. Công an quận xác nhận xong thì tôi quay về phường để được xác nhận độc thân. Rồi tôi phải đến UBND phường khác ở quận T. (nơi tôi chuyển tiếp hộ khẩu). Sau khi được hai UBND phường xác nhận thì UBND phường nơi đang cư trú cấp giấy xác nhận độc thân. Thế nhưng làm xong thủ tục này, tôi lại thấy lo lắng vì giấy này chỉ có giá trị trong sáu tháng. Giả sử tôi xin giấy này cho mục đích khác nữa thì tôi phải đi lại một vòng như trên? Nếu đúng vậy thì quá… oải cho tôi.

nguyen…@gmail.com

2. Chờ đến bao giờ?

Tôi đang làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài nhưng phải chờ vì thiếu giấy xác nhận độc thân. Tôi có ba năm du học ở nước ngoài, trong khoảng thời gian đó tôi chưa đăng ký kết hôn với ai. Giờ thì UBND phường chỉ xác nhận độc thân của tôi trong khoảng thời gian ở Việt Nam. Còn thời gian ở nước ngoài thì họ yêu cầu tôi nộp giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân. Tôi xin làm cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mình chưa kết hôn nhưng cán bộ tư pháp không đồng ý. Sau đó, cán bộ UBND phường cho biết họ sẽ làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài chứng nhận về thời gian ba năm đó.

Nếu phía cơ quan thẩm quyền ở nước ngoài không trả lời thì tôi có được xác nhận độc thân không hay phải chờ tiếp? Tôi lo lắng quá…

[email protected]

3. Biểu mẫu mỗi nơi mỗi kiểu

Tôi có hộ khẩu ở tỉnh Long An nhưng sinh sống tại TP.HCM. Vừa rồi, tôi về UBND xã nơi tôi có hộ khẩu thường trú xin cấp giấy xác nhận độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau khi chính quyền ở quê cấp giấy, tôi mang đến UBND phường ở TP.HCM thì cán bộ phường nơi đây từ chối giải quyết đăng ký kết hôn, vì trong giấy không ghi cụ thể địa chỉ nơi đăng ký kết hôn.

Mới đây, tôi phải về lại Long An làm lại giấy xác nhận. Tôi đề nghị cán bộ xã bổ sung địa chỉ nơi kết hôn nhưng cán bộ xã từ chối vì cho rằng đây là mẫu quy định chung, không thể thêm vào. Tôi thắc mắc: Nếu là mẫu chung thì tại sao mỗi nơi yêu cầu mỗi kiểu? Tranh luận một lúc, cuối cùng cán bộ xã ở Long An mới chịu giải quyết cho tôi. Tại sao hai nơi lại có hai yêu cầu về biểu mẫu khác nhau như thế?

NGUYỄN THỊ CHÂU (Quận Tân Phú, TP.HCM)

Khi làm thủ tục nhà đất, khá nhiều trường hợp được yêu cầu cung cấp giấy xác nhận độc thân.  Ảnh minh họa: HTD

GỠ VƯỚNG

Bà LÊ THỊ BÌNH MINH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh):

Sở Tư pháp TP.HCM đã có văn bản phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp giấy xác nhận độc thân. Mới đây, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản gỡ vướng một số trường hợp.

1. Không phải vòng lại từ đầu nữa

Theo công văn hướng dẫn nghiệp vụ số 745 ngày 28-4 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, trường hợp người yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân đăng ký thường trú ở nhiều nơi khác nhau mà người đó đã chứng minh được tình trạng hôn nhân hoặc UBND cấp xã có xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó ở những nơi thường trú trước đây thì những căn cứ này được sử dụng để cấp giấy này ở những lần khác nhau. Như vậy, khi người dân có yêu cầu cấp tiếp lần sau thì UBND cấp xã căn cứ vào thông tin trong hồ sơ lưu để cấp giấy cho khoảng thời gian đã được chứng minh xong.

Mới đây, tại Công văn số 1007 ngày 6-7, Cục đã hướng dẫn: Giấy xác nhận độc thân được cấp để sử dụng vào mục đích vay vốn, thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng sau đó người yêu cầu muốn cấp thêm giấy này để sử dụng vào mục đích tương tự thì làm thủ tục như khi cấp giấy mới, không bắt buộc phải nộp lại giấy đã được cấp trước đây. Nghĩa là khi người dân cần cấp lại giấy mới (do giấy cũ hết giá trị, bị mất…) thì họ không cần phải nộp lại giấy xác nhận cũ như trước đây.

2. Chỉ cam đoan, không phải chờ xác minh

Theo văn bản hướng dẫn số 1007 nói trên thì trường hợp công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, khi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết không thực hiện được việc xác minh theo yêu cầu của UBND cấp xã thì đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn UBND cấp xã vận dụng quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về việc không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian đó. Cơ quan đăng ký hộ tịch cần giải thích để người yêu cầu biết rõ về trách nhiệm và hệ quả pháp lý về việc cam đoan không đúng sự thật.

Như vậy, theo hướng dẫn mới thì người yêu cầu phải tự chứng minh, khi không chứng minh được thì người yêu cầu được cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong khoảng thời gian cư trú ở nước ngoài mà không cần phải chờ xác minh như trước kia.

3. Phải ghi nơi dự định kết hôn

Đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị Châu (quận Tân Phú, TP.HCM), cán bộ tư pháp của UBND phường ở TP.HCM yêu cầu đúng quy định. Bởi lẽ căn cứ Điều 25 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp quy định cách ghi giấy xác nhận độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn.

Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với chị Nguyễn Thị T., sinh năm 1992, CMND số 031331332, tại UBND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Việc tờ khai yêu cầu phải ghi nơi dự định làm thủ tục kết hôn là để phục vụ công tác phối hợp quản lý (gửi thông báo hoặc xác minh khi cần).

Cấp mới, không cần nộp lại giấy cũ

Khi cá nhân yêu cầu cấp lại giấy xác nhận độc thân để sử dụng vào mục đích kết hôn mà không nộp lại được giấy này (cũng sử dụng vào mục đích kết hôn) đã được cấp trước đây thì có hai cách xử lý như sau:

• Nếu thông tin về người dự định kết hôn không thay đổi so với giấy xác nhận độc thân đã cấp trước đây thì UBND cấp xã cho người đó lập văn bản cam đoan về việc thất lạc, chưa sử dụng giấy xác nhận độc thân đã được cấp trước đây để kết hôn. Sau đó, UBND cấp xã cấp lại giấy này cho người có yêu cầu.

• Nếu thông tin về người dự định kết hôn thay đổi so với giấy xác nhận độc thân đã được cấp trước đây (xin giấy độc thân để kết hôn với người khác) thì UBND cấp xã căn cứ vào thông tin trong tờ khai và sổ cấp giấy này trước đây, có văn bản trao đổi với cơ quan kiểm tra, xác minh về việc sử dụng giấy xác nhận độc thân được cấp trước đây (nếu mục đích để kết hôn tại UBND cấp huyện, xã).

Đối với trường hợp giấy xác nhận độc thân trước đây được cấp để kết hôn với người nước ngoài ở tại nước ngoài, thì UBND cấp xã gửi văn bản (kèm theo các tài liệu có liên quan gồm: bản chụp hồ sơ cấp giấy xác nhận độc thân lần trước và lần đề nghị cấp lại, bản chụp trang Sổ ghi việc cấp giấy xác nhận độc thân trước đây) về Sở Tư pháp tổng hợp, gửi Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực để trao đổi với cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, làm rõ.

Căn cứ vào kết quả xác minh nói trên, Sở Tư pháp sẽ chỉ đạo UBND cấp xã cấp lại hoặc từ chối cấp giấy này cho người có yêu cầu.

(Trích Văn bản số 1007 ngày 6-7-2016 của  Cục Hộ tịch,
Quốc tịch, Chứng thực)

Linh động cấp xác nhận cho người đã qua nhiều nơi cư trú

Nghị định 123/2015 quy định: Trước hết cá nhân có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình, nhất là đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Trường hợp người dân khó khăn trong việc tự chứng minh về tình trạng hôn nhân (do không nhớ rõ địa chỉ, không có giấy tờ chứng minh…) thì UBND cấp xã (nơi nhận hồ sơ) có văn bản đề nghị nơi thường trú trước đây xác minh. Nếu công dân có thời gian cư trú ở nước ngoài thì cũng phải xác minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài (qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Tuy nhiên, bằng những cách nêu trên mà không có kết quả, Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp tại Điều 4 cũng đã dự liệu và có quy định linh hoạt để xử lý: Nếu hết thời hạn mà UBND cấp xã được yêu cầu không trả lời kết quả xác minh thì cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình và phải chịu trách nhiệm về việc cam đoan không đúng sự thật. Đề nghị các sở Tư pháp chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định như nêu trên.

Ông NGUYỄN CÔNG KHANH, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc  sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2016, ngày 11-7