Dùng giấy tờ giả lừa đảo: Xử mấy tội?

Thời gian qua, có không ít bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy vì bị cáo dùng giấy tờ giả đi lừa đảo nhưng cấp sơ thẩm chỉ xử một tội. Các chuyên gia nhận xét gì về việc này?

Mới đây, TAND TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKS cùng cấp, hủy bản án sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Tuyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bỏ lọt tội phạm.

Chỉ xử tội lừa đảo

Theo hồ sơ, tháng 7-2013, Tuyết đến thuê ở phòng trọ của bà NTH tại một con hẻm trên đường Lương Định Của (phường An Khánh, quận 2). Thời gian ở trọ, Tuyết nhiều lần mượn tổng cộng hơn 88 triệu đồng của bà H.

Tháng 9-2013, Tuyết nghe lời một người quen làm giả giấy đỏ của dì Tuyết để đưa cho bà H. làm tin. Người này giới thiệu cho Tuyết một người chưa rõ lai lịch nhận làm giả giấy đỏ với giá 10 triệu đồng.

Có giấy đỏ giả, Tuyết đưa cho bà H. để mượn thêm tiền nhưng bà H. yêu cầu giấy đỏ phải được sang tên cho Tuyết thì mới nhận thế chấp. Tuyết lại nhờ người làm giấy đỏ giả mang tên Tuyết với giá 24 triệu đồng (Tuyết nói dối bà H. là tốn thêm 24 triệu đồng phí sang tên nên mượn số tiền này).

Đến ngày 10-10-2013, Tuyết đưa giấy đỏ giả mang tên mình cho bà H. để vay 200 triệu đồng. Cấn trừ tiền nợ trước đó, bà H. đưa cho Tuyết 88 triệu đồng. Hai bên làm giấy vay tiền, hẹn 60 ngày sau Tuyết sẽ trả cả vốn lẫn lãi.

Đến hạn, Tuyết không trả tiền, bà H. nghi ngờ đem giấy đỏ đi hỏi thì phát hiện giấy giả nên báo công an. Các cơ quan tố tụng quận 2 đã khởi tố, truy tố, xét xử, kết án Tuyết hai năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.

Bản án sơ thẩm đã bị VKSND TP.HCM kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án để điều tra, xét xử lại. Theo VKSND TP, hành vi làm giả giấy đỏ mang tên mình của Tuyết nhằm mục đích vay và đã lừa dối vay được tiền chưa bị cấp sơ thẩm xử lý. Trong trường hợp này, Tuyết có dấu hiệu phạm thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS. Cấp sơ thẩm không xử lý Tuyết về tội này là bỏ lọt tội phạm. Đồng tình, HĐXX phúc thẩm đã hủy án như đã nói.


 
Ba bị cáo Lê Thị Trường Giang, Trần Thị Minh Trang, Vương Thị Bích Loan Anh bị TAND TP.HCM xử cả hai tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ảnh: H.YẾN

Xử một tội là bị hủy án

Trong một vụ làm giả giấy tờ để lừa đảo khác, cấp sơ thẩm lại bị cấp phúc thẩm hủy án vì chỉ xử tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo hồ sơ, ngày 30-12-2013, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã lập hợp đồng ủy quyền có công chứng cho Trần Tiến Dũng để bán một chiếc xe máy Honda@, đồng thời giao cho Dũng giấy chứng nhận đăng ký xe. Đến tháng 8-2014, do muốn bán lại xe với giá cao hơn, Dũng đã nhờ người không rõ lai lịch làm giấy chứng nhận đăng ký xe giả với giá 5 triệu đồng (trong giấy giả, xe được biến thành Honda SH). Hai tháng sau, Dũng bán xe cho một người với giá 58 triệu đồng (hợp đồng bán xe có công chứng). Sau đó, người mua xe đem xe đến Đội CSGT quận Gò Vấp (TP.HCM) làm thủ tục sang tên thì bị tạm giữ xe.

Dũng bị các cơ quan tố tụng quận Gò Vấp khởi tố, truy tố, xét xử, kết án chín tháng tù treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bản án sơ thẩm cũng bị VKSND TP.HCM kháng nghị. VKSND TP nhận thấy hành vi của Dũng làm giả giấy tờ xe nhằm mục đích gian dối, bán lại cho người khác để thu lợi bất chính. Tại các biên bản hỏi cung, Dũng thừa nhận mục đích làm giấy đăng ký xe giả là để bán được xe với giá cao hơn. Trên thực tế, Dũng đã thực hiện hoàn thành hành vi gian dối này. Người bị hại đã tưởng giả là thật nên đã mua xe. Như vậy, hành vi của Dũng đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe là thủ đoạn bị cáo dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, đồng thời đã cấu thành một tội độc lập là làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Việc cấp sơ thẩm chỉ truy tố, xét xử bị cáo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là bỏ lọt tội phạm.

TAND TP.HCM đã đồng tình với kháng nghị này và tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Xử mấy tội: Còn tranh luận

Từ hai vụ án đã nêu cho thấy đã có sự vận dụng pháp luật khác nhau giữa các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét trong các trường hợp trên chỉ nên xử nghi can về một tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi tội này thể hiện mục đích mà nghi can hướng tới. Hành vi làm giả giấy tờ chỉ là một thủ đoạn gian dối của hành vi lừa đảo nên xét xử các bị cáo về hai tội độc lập là không hợp lý.

Đồng tình, ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích: Hành vi làm giấy tờ giả của các nghi can đã bị thu hút vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chỉ cần xét xử một tội này là phù hợp với nguyên tắc suy đoán có lợi cho nghi can. Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối. Các nghi can làm giấy tờ giả nhằm mục đích đưa cho người bị hại làm tin. Việc lừa đảo là một chuỗi hành vi làm giả giấy tờ, dụ dỗ và kết thúc là chiếm đoạt được tiền của nạn nhân.

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) lại có góc nhìn khác. Theo Thẩm phán Long, việc xử lý một hay hai tội còn tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan pháp luật với từng trường hợp cụ thể. Nếu nghi can làm giả giấy tờ nhiều lần, giấy tờ liên quan đến nhà, đất cũng như thủ đoạn tinh vi và lừa nhiều người thì phải xử cả hai tội là lừa đảo và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. “Cũng cần nhấn mạnh thêm tội làm giả giấy tờ của nghi can đã hoàn thành sau khi đã làm xong bộ giấy tờ giả. Tiếp đó, nghi can dùng giấy tờ giả đi thực hiện hành vi phạm tội khác là lừa đảo” – Thẩm phán Long nói thêm.

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cùng quan điểm với Thẩm phán Long. Theo ông, trong thực tiễn xét xử, có thể vì thấy hành vi làm giả giấy tờ có tính nguy hiểm không cao nên các cơ quan tố tụng chỉ xử một tội là lừa đảo. Tuy nhiên, trường hợp làm giả giấy tờ rồi đem đi lừa đảo, về lý thuyết đã cấu thành hai tội độc lập. Để răn đe và phòng ngừa tội phạm, trong các trường hợp việc làm giả giấy tờ mang tính nguy hiểm cao (lừa tài sản có giá trị rất lớn, làm giả nhiều giấy tờ, lừa nhiều người…) thì cần phải xử cả hai tội mới nghiêm minh.

Có vụ tòa xử cả hai tội

Gần đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt Lê Thị Trường Giang 11 năm sáu tháng tù, Trần Thị Minh Trang chín năm tù, Vương Thị Bích Loan Anh bảy năm sáu tháng tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Giang hành nghề môi giới dịch vụ cầm cố giấy tờ nhà, đất để vay tiền. Biết Trang và Loan Anh cần vay tiền nhưng giấy tờ nhà, đất đều đã thế chấp ngân hàng, Giang chủ động gặp hai người này bàn bạc làm giả giấy tờ rồi đem thế chấp cho người khác để chiếm đoạt tiền. Từ tháng 1 đến tháng 3-2014, Giang đã làm giả giấy tờ nhà rồi môi giới cho Trang, Loan Anh vay được 1,4 tỉ đồng. Trang đã ba lần làm giả giấy tờ một căn nhà ở quận Bình Tân để thế chấp vay 1,25 tỉ đồng, còn Loan Anh một lần làm giả giấy tờ nhà để thế chấp vay 600 triệu đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *