Ông Tuấn cho biết: “Dùng từ “chạy” là cách gọi bình dân, thực chất là việc các DN kinh doanh vận tải hành khách gian lận về kê khai giá cước ở các tuyến cố định. Chẳng hạn, tại điểm đầu của bến xuất kê khai mức giá đúng quy định nhưng khi đến bến xe khác lại kê khai một mức giá cao hơn. Điều đó khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát giá cước. Nguyên nhân cũng chính do các sở, ngành phối hợp chưa chặt chẽ. Bộ Tài chính đã kiến nghị các địa phương phải phối hợp rà soát chéo giữa các tỉnh”.
Khi kiểm tra Bến xe Miền Đông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị tẩy chay các hãng xe không giảm hoặc tăng giá vé vô lý. Ảnh: M.PHONG
Theo ông Tuấn, hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước. Mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỉ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỉ lệ giảm giá thấp, thậm chí có đơn vị chưa giảm giá. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính các địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị giảm giá chưa phù hợp tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi: Giá cước vận tải hiện đã có sự cạnh tranh thực sự từ các DN hay không và đề nghị đoàn thanh tra công bố giá thành. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), khẳng định giá cước vận tải đang được kiểm soát bằng biện pháp kê khai giá và có sự cạnh tranh giữa các DN. Các DN cạnh tranh nhau bằng giá cả, chất lượng phục vụ, dịch vụ dọc tuyến đường, phương tiện hiện đại và người lái an toàn.
Còn ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, cho biết hiện Bộ Tài chính đã có danh sách giá thành của các DN vận tải nhưng Bộ không thể công bố cụ thể vì phải giữ bí mật kinh doanh cho các DN.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng vừa yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá cước vận tải trên địa bàn từ nay đến sau tết Ất Mùi. Hai loại hình được yêu cầu đặc biệt lưu ý là kinh doanh vận tải bằng xe taxi và xe ô tô theo tuyến cố định.
Bà Hồng cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm các DN vận tải chưa giảm hoặc giảm giá cước chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu. Cùng đó, xử lý các vi phạm về giá và truy thu thuế các DN kê khai không đúng với cơ cấu và tỉ lệ chi phí trong giá thành vận tải.
Chỉ một doanh nghiệp bị xử lý Tại Hà Nội, đoàn kiểm tra đã kiểm tra 16 DN vận tải taxi và có 13 DN kê khai giảm giá cước phù hợp. Trong bốn DN vận tải hành khách tuyến cố định được kiểm tra có hai DN kê khai giảm giá chưa phù hợp. Tại Đà Nẵng, có tổng cộng năm DN được kiểm tra, trong đó chỉ có một DN kê khai giảm giá cước phù hợp. Trong khi đó, TP.HCM có bốn DN taxi và bốn DN vận tải hành khách tuyến cố định được thanh tra và đều kê khai giảm giá cước phù hợp… Đáng chú ý, tại Bình Dương, Hợp tác xã Vận tải đường bộ TP Thủ Dầu Một bị lập biên bản vi phạm hành chính do kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, thiếu bản giải trình các khoản chi phí vận tải. Hiện đoàn thanh tra đang làm thủ tục chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. |