‘Mỗi ngày ở Việt Nam là một ngày hạnh phúc’

Nhiều Việt kiều là giáo sư, tiến sĩ đã từ bỏ tất cả để trở về Việt Nam sống và cống hiến.

Trong những ngày giáp tết, hàng trăm ngàn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam ăn tết. Ngoài việc để xóa nỗi nhớ nhà, nhiều kiều bào đã trăn trở, khát vọng nhằm góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh hơn.

Có nhiều người đã trở về và họ đã, đang thực hiện trăn trở, khát vọng đó…

“Bán sạch để cắt đường lui”

Câu chuyện của TS sinh học Nguyễn Quốc Bình, kiều bào Canada, một trong hai người đầu tiên xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cho thấy nỗi khát khao xây dựng quê hương.

TS Bình kể: “Trong một lần về nước, một đồng nghiệp nói TP mong muốn xây một trung tâm công nghệ sinh học. Sau đó tôi đã gặp anh Nguyễn Thiện Nhân (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) trao đổi về ý tưởng. Anh Nhân đưa ra yêu cầu là trung tâm phải ngang tầm khu vực và 30 năm sau vẫn chưa lạc hậu.

“Ngẫm nghĩ, tôi quyết tâm làm. Tôi đã thực hiện sách lược của Tào Tháo là cắt hết đường lui. Tôi trở lại Canada bán hết nhà cửa, xe cộ để nếu có gặp khó khăn hay thất bại, mình không còn đường lui mà phải ở lại Việt Nam xây dựng cho bằng được trung tâm. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc ở nước ngoài, tôi phác thảo ra một trung tâm theo hai tiêu chí mà anh Nhân yêu cầu”. Và sau 10 năm gây dựng, ông Bình tự hào khẳng định rằng Trung tâm Công nghệ sinh học của TP không thua kém gì những trung tâm hiện đại nhất của Singapore và còn lớn hơn cả trung tâm của Thái Lan về tầm vóc cũng như chiến lược phát triển. Hiện nay trung tâm có gần 100 thạc sĩ, tiến sĩ tuổi đời đều dưới 30 được đào tạo bằng chương trình nước ngoài.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ kiều bào chiều 8-2. Ảnh: THANH VŨ

 

Trở về dù gia đình phản đối

Còn TS Nguyễn Đình Uyên – Việt kiều Mỹ, giảng viên khoa Điện tử viễn thông Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, thì muốn chứng minh cho mọi người rằng quê hương Việt Nam là nơi rất đáng sống.

TS Uyên chia sẻ: “11 năm trước, họp với sinh viên, nhiều thầy giáo nước ngoài về dạy, khuyên các em là cố gắng ra nước ngoài học rồi về Việt Nam đóng góp cho quê hương. Có em sinh viên hỏi tôi: “Sao thầy không về?”. Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi đó và tôi mất ba năm chuẩn bị cho ngày trở về. Lúc đó tôi chỉ hơn 30 tuổi và xác định là rất khó khăn về lương bổng, điều kiện sống”.

“Khi tôi quyết định trở về quê hương, mọi người trong gia đình đều phản đối. Nhưng tôi đã quyết, để chứng minh cho mọi người thấy ở Việt Nam làm việc vẫn rất tốt. Về để khuyến khích những em sinh viên giỏi trở về đóng góp cho đất nước. Muốn góp phần xây dựng đất nước phải biết hy sinh một chút cá nhân” – ông tâm sự. Trong bảy năm, TS Uyên đã gửi được 80 sinh viên ra học ở nước ngoài, có hai sinh viên học xong tiến sĩ, có cơ hội ở lại nhưng họ không ở lại mà trở về giảng dạy ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Hạnh phúc ở quê hương nhưng…

GS Võ Văn Tới, Việt kiều Mỹ, Trưởng khoa Kỹ thuật vi sinh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chia sẻ: Hơn 40 năm ở Mỹ ông sống rất thoải mái. Khi tham gia vào Quỹ giáo dục Việt Nam, làm việc cùng những người ở Việt Nam, ông nhận thấy cuộc sống ở quê nhà có nhiều ý nghĩa hơn. Từ đó ông quyết định trở về quê hương, đến nay đã được sáu năm. “Mỗi ngày ở Việt Nam là một ngày hạnh phúc đối với tôi. Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đóng góp cho đất nước. Nhưng Việt Nam phải có chính sách cởi mở để kiều bào có nhiều điều kiện đóng góp, sẽ có nhiều kiều bào trở về” – ông Tới nói.

GS Tới cho rằng chủ trương của Việt Nam có rất nhiều nhưng cơ chế hoặc là quá lỏng lẻo hoặc quá phức tạp. “Vấn đề là làm cách nào để thu hút kiều bào, người trẻ đi học trở về. Lúc còn làm giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam, có em hỏi: “Thầy ơi, làm sao để em có thể ở lại nước Mỹ?”. Tôi đã nghĩ nhiều về câu hỏi đó, làm sao để những người trẻ này trở về đóng góp cho đất nước…” – ông Tới nói.

GS-TS Nguyễn Xuân Xanh, Việt kiều Đức, trăn trở khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa về khoa học công nghệ. Để đưa đất nước đi lên cần có sự đoàn kết, hợp sức của trí thức kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới.

Còn bà Đinh Kim Nguyệt – Việt kiều Canada thì chia sẻ câu chuyện xoay quanh việc giải quyết thủ tục hành chính. Bà cho rằng trung ương có những bước mở thì chính quyền địa phương cũng cần cải tiến, đổi mới quy trình thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho kiều bào. “Bản thân tôi cũng rất muốn đầu tư và đã đang đầu tư ở Việt Nam rồi. Thế nhưng có những góc khuất, tức là có những cán bộ biến chất, họ vẫn còn lộn xộn” – bà Nguyệt nói.

Ông Hoàng Ngọc Hùng – Việt kiều Lào-Thái Lan thì đánh giá môi trường đầu tư ở Việt Nam có vài thủ tục hành chính chưa thông thoáng, chưa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *