
CôngThương - “Điểm nổi bật nhất của năm 2013 là tăng cường được những nhân tố ổn định vĩ mô thể hiện rõ trong việc kiểm soát lạm phát, lành mạnh dần từng bước, ổn định thị trường tiền tệ”- đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) mở đầu.
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất đánh giá, năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bằng nhiều chính sách, giải pháp cụ thể đã bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, mối lo lớn nhất là thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị “dồn toa” do nhiều năm gần đây chúng ta vay trung hạn, đây là những vấn đề sẽ gây bất ổn vĩ mô.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói, các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau vẫn hiện hữu. Hơn thế, niềm tin thị trường chưa được phục hồi, thể hiện rất rõ qua việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn để mở rộng sản xuất.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa- Vũng Tàu) chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm, từ 3,3% giai đoại 2006- 2010 xuống mức dự báo 2,8% năm 2013. “Tình hình sụt giảm về giá lúa gạo, ca cao, cà phê.... trong 9 tháng đầu năm cũng tác động tiêu cực đến đời sống của nông dân” - đại biểu Khải liên hệ.
Về những bất cập trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, chúng ta thu hút được nguồn ngoại tệ và vốn ODA lớn, tuy nhiên, hiện có đến 60% thị phần xuất khẩu nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, đi kèm với đó là hiện tượng chuyển giá, báo lỗ, doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường... vẫn đang diễn ra.
Đại biểu Trần Du Lịch: “Trong điều hành chính sách tài khóa, phải sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền mà Chính phủ đang sử dụng, làm sao toàn bộ dòng tiền ngân sách như một dòng máu lưu thông được, để chúng ta tăng hiệu quả quản lý”. |
Đống góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 và 2015, đại biểu Trần Du lịch đánh giá cao việc Chính phủ xây dựng mục tiêu cả 2 năm 2014 và 2015 với hai chỉ số quan trọng là tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là 7%. Về các giải pháp cụ thể, ông Lịch lưu ý: “Trong điều hành chính sách tài khóa, phải sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền mà Chính phủ đang sử dụng, làm sao toàn bộ dòng tiền ngân sách như một dòng máu lưu thông được, để chúng ta tăng hiệu quả quản lý”.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa cụ thể hơn: Cần kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách, giảm dần bội chi bằng cách tập trung quản lý chi tiêu thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới cơ quan, tổ chức nhằm tránh việc tăng chi tiêu ngân sách. Đồng thời, lấy mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội làm cơ sở tạo ra tác động tích cực tới hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế.
Về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn để giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, đi đôi với việc hỗ trợ thị trường, xử lý hàng tồn kho, giảm lãi suất cho vay về mức 7- 8%/năm, giảm giá thuê đất...