Điều chỉnh giá điện ra sao?
Liên quan đến các phương án điều chỉnh giá điện do EVN đề xuất, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay: Các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định; do đó thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3-2015.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trước tết đã đủ điều kiện tăng giá điện nhưng do lo ngại tâm lý tăng giá nhiều mặt trước tết nên không tăng giá điện. Sau tết, tùy theo thẩm quyền, nếu mức tăng từ 7% đến 10% Bộ xem xét thẩm định có quyết định, còn tăng trên 10% Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng quyết định.
Ông Hải cũng cho hay những yếu tố cấu thành giá điện tăng (giá than tăng 22%, giá khí tăng nhiều lần). Cũng theo ông Hải, so sánh giá điện Việt Nam với các nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Thái Lan thì giá điện Việt Nam đều thấp hơn gấp ba hoặc gấp đôi. “Việc tăng giá điện như thế nào chúng tôi thực hiện đúng chỉ đạo Chính phủ và trong tháng 3 có báo cáo cụ thể cho Chính phủ” - ông Hải nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ, ngành đang trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 2-3. Ảnh: THU HẰNG
Sân bay Long Thành: Chỉ phân kỳ đầu tư
Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc điều chỉnh vốn đầu tư và diện tích đầu tư trong dự án Sân bay Long Thành, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ GTVT và Tổng Công ty Cảng hàng không đã tính toán đầy đủ vốn đầu tư trong ba giai đoạn khoảng 17 tỉ đến 18 tỉ USD. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn vốn hiện nay cũng như có thể kêu gọi được đầu tư cho sân bay Long Thành, Bộ đã trình Chính phủ trước mắt đầu tư giai đoạn 1.
Theo ông Trường, trước đây giai đoạn 1 đầu tư với hai đường cất-hạ cánh và toàn bộ nhà ga cũng như các dịch vụ liên quan khác nhưng do vốn đầu tư của ta lớn, thu hút đầu tư khó khăn nên trước mắt Bộ đề xuất chỉ xây dựng một đường cất-hạ cánh và xây dựng một phần nhà ga để đủ cho việc khai thác đồng thời cả hai sân bay (Long Thành và Tân Sơn Nhất). “Trước đây dự định làm sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất chỉ khai thác nội địa. Nhưng để tiết kiệm thì 90% bay quốc tế là ở Long Thành, còn 10% bay quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy giảm được lưu lượng. Với tính toán như vậy chúng tôi chỉ phân kỳ đầu tư ra chứ không phải giảm đầu tư, trước mắt là đầu tư giai đoạn 1 5,2 tỉ USD thay cho 7,8 tỉ USD trước đây”. Ông Trường nói thế và cho hay “những tính toán này của chúng tôi là để huy động vốn phù hợp hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng khi sân bay Long Thành được Quốc hội chấp thuận và chủ đầu tư tham gia xây dựng thì khả năng hoàn vốn rất nhanh và có điều kiện để đầu tư tiếp”.