Chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi: “Nếu tôi là Thống đốc…”

Thẳng thắn, gai góc, chân thành, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi đã có nhiều ý kiến phản biện quyết liệt trong việc cải tổ lĩnh vực ngân hàng và tái cấu trúc tài chính tại Việt Nam, trong suốt gần 30 năm qua.

Chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi: “Nếu tôi là Thống đốc…”

Chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi.

Từng làm việc với vị trí điều hành và cố vấn cho nhiều tổ chức tài chính lớn, là thành viên trẻ nhất của nhóm “Thứ Sáu” của Thủ tướng, có vai trò trong việc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước mua bán nợ nước ngoài vào thập niên 90 của thế kỷ 20, tham gia xây dựng Ban Phát triển thị trường vốn – tiền thân của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… ông hiện giữ cương vị Giám đốc Điều hành lĩnh vực Ngân hàng – Thị trường vốn tại Công ty Luật và Tư vấn VCI.

Trở về nước đúng thời kỳ sung sức nhất, đặt hết say mê vào việc khởi sự một thị trường vốn tại Việt Nam, nhưng đến ngoài 60, giấc mơ hội nhập vào thị trường kinh tế thế giới cho ngành ngân hàng tài chính của ông xem ra vẫn còn xa vời…

Nhiều nghiệp chủ ngân hàng “ba trợn”

Từ bỏ nhiều cơ hội thăng tiến ở nước ngoài, ông đã trở về, qua ngân hàng đầu tư CLSA của ngân hàng Credit Lyonnais và đã được sát nhập vào ngân hàng Credit Argicole, tham gia đặt một trong những viên gạch đầu tiên để xây dựng một quỹ đầu tư đầu tiên và cũng là bước đầu của tòa lâu đài “thị trường vốn”. Hơn 30 năm đã qua, cũng gần hết một kiếp người, có bao giờ ông tự hỏi “Ta đã làm chi đời ta”?

Tính ra đã 23 năm, khởi đầu mon men từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán, mất gần 10 năm từ 1991 đến 2000 thị trường mới bắt đầu phiên đầu tiên. Lúc ấy, lãng mạn lắm, tôi nghĩ cao lắm là mất 2 – 3 năm, xong việc sẽ trở lại Mỹ hoặc London làm việc tiếp.

Từ lúc mới có vài ngân hàng cổ phần, đến giờ đã có một hệ thống ngân hàng cổ phần. Sống và quan sát, nằm trong sự lớn dần của hệ thống ngân hàng tư nhân, tham gia vào quá trình hình thành hệ thống tài chính ngân hàng của đất nước, nên bị sa đà một cách âm thầm, cứ loay hoay ở Việt Nam là chính và Singapore, Hongkong hoài.

Bên cạnh đó là những cuộc xử lý mua nợ của ngân hàng Việt Nam, năm 93 – 94 xử lý nợ của Liksin, Legamex, Vieco… với ngân hàng nước ngoài. Sau này xử lý các khoản nợ của công ty lương thực thành phố với khách hàng Nhật và Pháp.

Đáng nhớ nhất là cuộc xử lý vào cuối năm 1996 và đầu năm 1997, một khoản nợ nhỏ của Ngân hàng Ngoại thương (VCB) nhưng đã làm nghẽn giai đoạn cuối giải quyết nợ thương mại của Việt Nam tại Câu lạc bộ London để khai thông cho các ngân hàng Việt Nam trở lại thị trường vay nợ quốc tế.

Từ năm 2001, bắt đầu thấy sự định hình của hệ thống. Có những trục trặc, những rời rạc, những lỗ hổng rất dể thấy, nhưng với thời điểm đó thì có thể cố gắng chấp nhận được. Nhìn nhanh lại, có nhọc nhằn tâm trí lúc này lúc kia, nhưng cũng đã làm được chút gì đó hữu ích. Chắc vậy.

Ông còn nhớ giai đoạn 5 năm, nhất là giai đoạn từ 2007 – 2008, rộ lên một số ngân hàng mới từ nông thôn chuyển qua thành phố và vài ngân hàng mới thành lập, thị trường chứng khoán mở rộng kết hợp với những lỗ hổng ngân hàng, lộ ra khuyết tật ngày càng nhiều?

Khi riêng rẽ, từng ngân hàng không có sự kết nối với thị trường chứng khoán, thì những lỗ hổng đó chưa thành những khuyết tật. Nhưng khi thị trường chứng khoán rộ lên cùng với một hệ thống ngân hàng và đặc biệt với các ngân hàng nông thôn mới chuyển sang ngân hàng thành phố – có lúc được gọi là các ngân hàng “nông nổi” – đã tạo thành một khối thì khuyết tật rõ nét hơn.

Sự yếu kém về nhân sự, chuyên môn… đã lộ ra nhiều nghiệp chủ ngân hàng “ba trợn”, không thể thoát ly được tư duy con buôn.

Đó là tư duy thời kỳ 95-96-97, nhiều người coi ngân hàng là của riêng họ, dùng phần lớn tiền và vốn của khách hàng cho chính họ. Tư duy này lại tái hiện rõ nét hơn giai đoạn 2007 đến gần đây, chỉ khác là độ lớn hơn nhiều, có hệ thống hơn, nhờ cơ cấu thị trường chứng khoán.

Ba vòng giao thoa của ba định chế tài chính mới là vấn đề – vấn nạn mới trong thị trường còn rất non trẻ của Việt Nam. Khi ba ông “mâm trên” kết nối: các ngân hàng, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư thì sẽ sản sinh ra những loại khuyết tật mà trước đây ở mức thấp hoặc chưa hề có. Đó là sở hữu chéo mang tính toa rập hơn là hợp sức giữa các định chế tài chính, tiền ma – vốn ảo, loại vốn “trời gầm – đất lở”.

Một ông “mâm trên” đã mệt, ba ông “mâm trên” hợp với nhau thì thật khó mà đỡ.

Phải chăng việc chúng ta vẫn chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa, đã tạo nên sự bao cấp không đáng có, góp phần dẫn đến tình trạng thao túng thị trường, nợ xấu ngày càng nặng nề?  

Đó là một loại và một góc bi kịch của nền kinh tế và xã hội. Một loại vấn nạn làm nghẽn và mệt hệ thống, nhưng ít ai dám nhìn vào vấn nạn đó, vì không chịu nhìn cái thực trạng ê chề đó cho nên hệ thống lại càng mệt thêm.

Đúng ra phải có những cách nhìn thật từ những tháng cuối năm 2008 hoặc chậm hơn thì cuối năm 2009, nhưng do không dám nhìn, nên cả hệ thống đã bị vướng và rơi vào chứng thương hàn. Dù chỉ là một phần rất nhỏ và thậm chí chẳng là gì trong chuỗi, lĩnh vực ngân hàng – thị trường tài chính, thì cũng có một nỗi đau đáu của riêng tôi.

Trong lúc hệ thống ngân hàng đang mày mò tìm giải pháp thoát ra những vòng xoáy tổn hại và tổn thương nề kinh tế, hơn bao giờ hết phải tìm những  người tạm gọi sạch, biết nghề, nhưng chẳng hiểu nông nỗi gì và tại sao lại có sự việc chuẩn y những con buôn lạ lùng làm chủ tịch và những người chưa một ngày điều hành một phòng giao dịch ngân hàng vào vị trí tổng giám đốc ngân hàng để rồi bị bắt chỉ sau một thời gian ngắn? Có thể nói là trong hệ thống điều hành loay hoay với cái gì đó không ổn mới xảy ra sự việc như vậy?

Tôi đã trải nghiệm qua 5 đời Thống đốc. Sách lược không để cho bất cứ một ngân hàng yếu kém nào sụp đổ, theo tôi, là một sách lược thất thế và tự ru ngủ. Quan niệm sụp đổ một vài ngân hàng thật sự yếu kém sẽ khiến cả hệ thống sụp đổ là không đúng. Cái khoảng trống đáng sợ của các ông chủ chính thức hoặc không chính thức của các ngân hàng – đã tạo ra những vùng tối, môi trường cho phép ký sinh trùng sinh sôi nảy nở.

Thế cờ đang thay đổi

Thưa ông, nếu là Thống đốc, ông sẽ làm gì?

Trước tiên, đây là câu hỏi có giá 25 tỷ USD – tương đương với khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ cuối năm 2012 mà Thống đốc đã bộc bạch gần đây.

Kế tiếp, đây là câu hỏi tôi đã tự hỏi nhiều lần trong 5 năm qua, và cũng là câu hỏi mà TS. Võ Trí Thành đã đặt để với tôi trong hội thảo “Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” mà BizLIVE tổ chức mới đây.

Nếu là Thống đốc trong bối cảnh hiện nay, một trong những việc/bài học đầu tiên mà tôi phải thuộc lòng là: đại thể, hệ thống ngân hàng như thế nào thì nền kinh tế như thế đó.

Nguồn và đồng vốn như thế nào và lái đi đâu thì kinh tế sẽ hướng theo đó. Có thêm nhiều ngân hàng đàng hoàng thì cũng sẽ có nhiều khách hàng đàng hoàng. Ngoài hệ quả khác từ nền kinh tế, thì hệ quả và tiêu cực trong hệ thống ngân hàng là rõ ràng nhất và tốn kém nhất.

Trong bối cảnh Việt Nam và nền kinh tế này, qua nhiều giai đoạn, tôi đã có những khoảng lùi, có đủ những độ chín, đủ thẩm thấu để nhìn lại và nhất là nhìn về phía trước trong lĩnh vực của mình rõ ràng hơn.

Tôi nghĩ và tin thế cờ, thế trận đang thay đổi. Sự việc trong ba tháng vừa bắt liên tục một số chủ tịch ngân hàng có lẽ là một ngã rẽ của Chính phủ và Nhà nước, và như vậy buộc các nghiệp chủ ngân hàng sẽ phải thay đổi thế trận. Có thể đó là một suy nghĩ lãng mạn chăng?

Nhất thiết phải có một thế hệ chuyên viên chuyên gia gia mới, nghiêm túc hơn về tài chính ngân hàng, có tay nghề hơn, thiết thực hơn nhưng cũng đàng hoàng hơn. Thế hệ nghiệp chủ quản trị, quản lý và điều hành ngân hàng thời mở cửa đã và sẽ qua rồi. Phải có một thế hệ kế thừa khác từ nay cho đến 2020.

Nếu không thì lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn sẽ bị nghẽn trong vòng luẩn quẩn hiện nay và sẽ khó tránh khỏi cái vòng xoáy khốn khổ một lần nữa.

Nếu thế cờ thay đổi trong cục diện ngân hàng và thị trường vốn, sẽ giúp cho dòng chảy nguồn vốn được khai thông và nền kinh tế có nhiều cơ may vượt lên.

Nhìn về phía doanh nghiệp, khiếm khuyết nào ông thấy rõ nhất trong điều hành dòng vốn?

Vẫn còn sự nhầm lẫn rất lớn và đáng tiếc giữa tiền với vốn. Tiền là tiền, vốn là vốn, đừng nhầm lẫn giữa cần vốn để kinh doanh đầu tư với cần tiền để tiêu xài.

Sự đan xen giữa tiền và vốn cũng đã gây ra những lệch lạc trong giới kinh doanh mới. Có tiền đi ăn cơm tấm hoặc ăn phở khác với có vốn để đầu tư – đơn giản vậy thôi, thế mà ngay trong ngân sách quốc gia vẩn còn lờ mờ giữa tiêu xài và đầu tư. Vốn là được đưa ra làm ăn để sinh sôi nảy nở, khác với tiền chỉ ở trong trong túi hoặc dưới chăn nệm.

Có lẽ một phần của sự nhầm lẫn lẩm cẩm giữa Vốn và Tiền này đã khiến biết bao nhiêu doanh nghiệp và người kinh doanh cá nhân bị rơi vào những vòng xoáy đất đai bất động sản và từ những vui chủ trở thành những khổ chủ.

Quản lý tài chính là lổ hổng trầm trọng nhất của các doanh nghiệp tư nhân – điều này sẽ còn kéo dài.

Theo ông, người làm kinh doanh tiền tệ nên làm thế nào để chế ngự lòng tham và sự sợ hãi?

Ai cũng có lòng tham và ích kỉ – tôi nhấn mạnh là lòng tham và ích kỉ tự nhiên, nhưng một khi cái tự nhiên bị vỡ, là có vấn đề. Ngoài nhận thức được vị trí của mình trong xã hội, tôi còn có đức tin, có sự nhắc nhở hàng ngày của lương tri và lương tâm.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình, nhãn quan của người có tí học hành, biết hệ quả mình tạo ra cho xã hội, cho gia đình, bản thân. Cuối cùng phải có và tìm một nền tảng đạo đức luân lý như một công tắc rất nhạy để báo động.

Đi đến nhà thờ, đọc kinh thánh, la cà với những người hiền xung quanh cũng giúp mình bớt đi và tránh những cái “dữ”, ngay cả những cái “dữ rất dễ thương”.

Tôi mê hai chữ “đàng hoàng”

Ông đã từng tham gia để xây dựng một ngân hàng, nhưng cũng thất bại?

Đúng vậy. Sau khi thị trường chứng khoán bắt đầu hoạt động và tôi rút lui công việc trọn thời gian với ngân hàng Deutsche, tôi mong muốn tham gia tạo một môi trường làm việc đàng hoàng trong một định chế tài chính đàng hoàng.

Một khởi đầu với những cái bắt tay và cam kết mà tôi nghĩ là đàng hoàng nhưng rồi chỉ một thời gian rất ngắn sự đàng hoàng cũng bị bỏ đi… Ngân hàng đó vẫn còn đó và đâu đó cũng là một ngân hàng chưa chịu đàng hoàng – đó cũng là nỗi sầu rất riêng của tôi. Cái mong muốn đàng hoàng tối thiểu đó cũng không làm được.

Khi mình phải có một lời khuyên cho ai đó hoặc khách hàng của mình, để mở lời khuyên họ phải có con số và kế hoạch đàng hoàng, đó là lúc khó nhất, bởi cái mình nói thực đó thì lắm lúc người ta cho mình không hiểu tình hình, không hiểu họ, đó là một tấn bi hài kịch.

Người ta không muốn uống thuốc đắng của sự thật. Một người đồng nghiệp của tôi đã lâm vào lao lý cũng chỉ vì không uống thuốc đắng sự thật đó. Một khi xã hội, đa số, không còn tin vào sự đàng hoàng tối thiểu thì những hành động hành vi đàng hoàng sẽ phải xếp lại?  Không, không thể như vậy.

…còn dự án “khu vườn tình yêu”?

Cũng bị mất, nói là thất bại cũng được. Tôi tự trách mình trước, vì cứ cố bám theo quan niệm sống đàng hoàng nên thất bại thôi. Nhưng tôi không chịu bỏ đàng hoàng.

Tôi và vài người bạn vẫn còn tin vào sự đàng hoàng vừa thành lập công ty mang tên “Đàng Hoàng”. Các bạn tôi sẽ bóc tách và kinh doanh những gì đàng hoàng. Khi chữ đàng hoàng đang được nhắc đến thường xuyên hơn, chứng tỏ xã hội ấy đang thèm khát đàng hoàng.

Tôi mê hai chữ “đàng hoàng” đó trong khung cảnh xã hội hiện nay.

Suy tư của ông với đất nước, với ngân hàng bây giờ là gì?

Trong bức tranh lớn, có những điểm mà đồng nghiệp và bạn bè sẽ không đồng ý, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng: hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam mặc dù đã có những nỗ lực riêng rẽ của những cá nhân, vài ngân hàng, thì về trình độ chuyên nghiệp, về kiến thức chung của ngành, mình vẫn ở ngang mức trung bình.

Còn về đất nước thì quá lớn và quá rộng cho vai trò và vị trí của tôi, hơn nữa tôi chưa từng mộng mơ lang thang về chính trị và chính khách.

Trong lĩnh vực kinh tế, tôi rất quan tâm đến những đội ngũ chuyên gia tham mưu cho Chính phủ và Nhà nước hiện nay, vì chính họ và nơi chốn mà họ đang có vai trò sẽ là một nửa và thậm chí còn hơn một nửa sức nặng góp phần vào những quyết sách thường khi mang tính sống còn, thúc đẩy hoặc ngăn trở sự phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội. Dường như đâu đó vẫn còn những vẩn đục, mù mờ.

Quay lại 5 – 6 năm vừa qua, nhiều tích sản dành dụm của đất nước, của người dân đã bị hao mòn bởi những “sáng nói thế này, trưa nói thế kia và chiều nói thế nọ”, đó cũng là một nỗi âu sầu của riêng tôi. Sau bao năm vẫn loay hoay, vẫn nghèo nhiều thứ… Đâu đó vẫn cứ quay quắt với những nỗi buồn chung và riêng về đất nước.

Bằng cách nào để ông có thể thoát khỏi nhưng ưu tư triền miên ấy, tìm cho mình một chút bình an?

Nhờ đức tin. Tôi có một nơi để trở về. Có một bài biệt thánh ca mà tôi rất ưa thích thời còn sinh viên và hay ngân nga: Sự bình an mà trần gian chẳng thể ban, Sự bình an mà trần gian không thể hiểu được nào, Bình an ấy Chúa ban cho người tin. Đức tin giúp tôi giữ vững cho mình cái nền tảng luân lý và đạo đức chung của xã hội.

Còn có nơi chốn khác là ngôi nhà ở Mỹ. Những lúc mệt mỏi mình về lại bên ngôi nhà kia, tìm lại sự trật tự, hít hơi thở một chút trật tự… Nhưng nỗi khắc khoải ấy thì vẫn âm ỉ trong lòng, bởi mình có ý thức, tri thức. Tự mình làm khổ mình thôi chứ có ai lôi kéo mình đâu.

Với các con, điều gì ông muốn truyền lại?

Sống sao cho đàng hoàng, trong mọi hoàn cảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *