Mua nhà đấu giá nhưng nhận được giấy tờ giả đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong thị trường bất động sản. Những trường hợp này không chỉ làm tổn thất tài chính mà còn gây rắc rối pháp lý cho người mua. Sự lừa đảo này đặt ra câu hỏi lớn về tính minh bạch và an toàn của các giao dịch đấu giá.
Bà Đoàn Thị Phú (ngụ Q.5, TP.HCM) mua trúng đấu giá căn nhà gần 3 tỉ đồng của Chi cục Thi hành án dân sự Q.Bình Thạnh do Công ty đấu giá Lam Sơn bán đấu giá và đã nhận nhà từ năm 2012, nhưng đến nay chưa sang tên được vì…giấy tờ giả.
Công an TP.HCM đang truy tìm người giữ giấy tờ nhà đất (giấy thật) của căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng (P.11, Q.Bình Thạnh). Căn nhà này là của vợ chồng ông bà Lê Quang Hải – Châu Thị Minh Thảo thế chấp vay 900 triệu đồng tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh Nam Sài Gòn, Phòng giao dịch Tân Hưng vào năm 2005. Năm 2011, TAND Q.Bình Thạnh buộc vợ chồng ông Hải phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi hơn 1,8 tỉ đồng.
|
Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.Bình Thạnh phát mãi căn nhà trên để ngân hàng thu hồi nợ. Ngày 30.8.2012, sau khi mua trúng đấu giá với giá gần 3 tỉ đồng, bà Phú nộp đủ số tiền vào tài khoản của cơ quan THA. Lúc này, phía ngân hàng cũng giao giấy tờ nhà lại cho bên mua.
Nhà của tội phạm lừa đảo
Sự việc không có gì để bàn nếu không xảy ra một tình huống bất ngờ, khi nộp hồ sơ nhà đề nghị đăng ký biến động đối với căn nhà, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Bình Thạnh thông báo chưa thể xem xét vì giấy tờ nhà, đất bà Phú nộp là… giả.
Qua xác minh, Công an TP.HCM phát hiện vợ chồng ông Hải đã làm giả 5 bộ giấy tờ nhà, đất để lừa đảo, trong đó có 3 vụ đã xử lý. Hiện nay bà Thảo đang thụ án 30 năm tù giam tại Trại giam Thủ Đức, ông Hải đang thụ án 25 năm 10 tháng tù giam tại Trại giam Xuân Lộc, cùng tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Riêng đối với vụ việc của bà Phú, Công an TP.HCM đang thụ lý giải quyết nên thủ tục hồ sơ sang tên nhà cho bà cũng bị ách lại. Bà Phú nói: “Tôi tin tưởng việc mua nhà của cơ quan nhà nước là an toàn nhưng giờ thì vướng đủ thứ”.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Vũ, Chi cục phó Chi cục THADS Q.Bình Thạnh, cho biết trường hợp nói trên là hy hữu nhất từ trước đến nay, khi bán đấu giá tài sản mà vướng vào giấy chứng nhận là giả.
“Lọt” qua nhiều cửa
Đặt vấn đề, phải chăng có sự tráo đổi, làm giả giấy tờ khi cơ quan THA nhận giữ trong quá trình chờ giao cho người mua trúng đấu giá? Ông Vũ giải thích: “Quá trình xử lý tài sản phía cơ quan THA đã ra thông báo đầy đủ, đúng thủ tục nhưng khi phát mãi tài sản giấy chứng nhận vẫn nằm trong ngân hàng. Khi người mua đấu giá nộp đủ tiền vào tài khoản của THA thì cơ quan THA mới đề nghị ngân hàng trích xuất giấy tờ ra. Vì nguyên tắc, giấy tờ ngân hàng đang giữ là một loại tài sản nằm trong két sắt, không được quyền lấy ra để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro. Với trường hợp này, khi người mua nộp đủ tiền, THA yêu cầu ngân hàng lấy sổ đỏ ra, đôi bên thực hiện giao dịch nhận tiền – lấy giấy chứng nhận cùng thời điểm”.
Về khả năng giấy tờ được làm giả ở giai đoạn xét xử, một thẩm phán TAND Q.Bình Thạnh cho biết đối với những tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản thế chấp tại ngân hàng thì giấy tờ nhà, đất vẫn do ngân hàng giữ. Chỉ khi nào các đương sự nghi ngờ về tính hợp pháp của giấy tờ đó, yêu cầu giám định thì tòa mới đề nghị ngân hàng đưa giấy tờ ra để trưng cầu giám định.
Trong khi đó, khi PV liên hệ ngân hàng tìm hiểu sự việc, bà Lê Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch Tân Hưng, Ngân hàng Agribank – chi nhánh Nam Sài Gòn, cho biết vụ việc liên quan đến tài sản thế chấp là căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng đang được Cơ quan Công an điều tra Q.Bình Thạnh thụ lý nên chưa thể cung cấp thông tin gì.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 25.8.2005, giữa vợ chồng bà Thảo và phía ngân hàng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được Phòng Công chứng số 5 (đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chứng nhận. Cùng ngày, hai bên đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp tại UBND P.11, Q.Bình Thạnh.